Làng Bách Hợp Nam-Quan ra mắt dịp tết Nguyên Đán năm 2005 tại thị trấn Wissous ,ngoại ô Paris, France.
Không phải ngẫu nhiên mà danh xưng Làng Bách Hợp được chọn để gọi chung cho các đơn vị thuộc phong trào Hướng Đạo Trưởng niên (HĐTrN) . Lịch sử PT HĐTrN cho biết sự hình thành một phong trào gồm các cựu đoàn sinh HĐVN và thân hữu tại hải ngoại bắt nguồn từ trại TT.4 tổ chức ở Le Breuil-Pháp năm 1993 .
Tương tự các hội thân hữu HĐ quốc gia Bĩ , Pháp , Ý ...và hiệp hội thân hữu HĐ quốc tế như ISGF ( International Scout and Guide Fellowship ) có quan hệ trực tiếp với tổ chức HĐTG-WOSM , phong trào HĐTrN Việt Nam tại hải ngoại ra đời nhằm tạo điều kiện cho các cựu huynh trưởng và đoàn sinh đã quá tuổi tráng sinh tiếp tục giữ chặt mối dây với phong trào HĐVN bằng hình thức thân hữu,hợp tác ,thông qua việc cố vấn , yễm trợ hoặc giúp đở các đơn vị trẻ của PT HĐVN đang sinh hoạt tại địa phương của mình .
Từ sau trại TT.4 cho đến nay những đơn vị HĐTrN lần lượt xuất hiện với các danh xưng ban đầu đặt cho đơn vị chẳng hạn như là gia đình Bách Hợp chỉ tập hơp một vài người , hay xóm ,hoặc làng BH với nhân số tham gia nhiều hơn ,rồi ghi danh với trưởng Nguyễn Trung Thoại là VP trưởng đại diện PT HĐTrN đồng thời cũng là người phụ trách bản tin Liên Lạc .
Biên bản phiên họp Đại Hội Trưởng Niên ngày 02/7/2001 tại trại họp bạn Thẳng Tiến 7 - Houston ,Texas, Hoa kỳ , tiếp theo những tu chính về điều lệ của HĐTrN hay gọi là Hương Ước đã thống nhất tên gọi chung "Làng Bách Hợp" đặt trước tên vùng ,miền, địa phương của tập thể ACE các đơn vị HĐTrN thành lập tại hải ngoại.
Làng Bách Hợp vùng Rhône-Alpes ra mắt tháng 4/1996 tại TP Lyon ,France .
Để biết thêm ý tưởng của các trưởng tiền bối trong PT HĐVN khi lựa chọn "Làng Bách Hợp" làm tên gọi chung cho các đơn vị HĐ Trưởng Niên thuộc phong trào HĐVN ,chúng ta cùng tìm hiểu danh xưng "Làng" qua những nét văn hoá xã hội VN.
Làng là một hình thức tổ chức xã hội đóng một vai trò quan trọng trong nông thôn ở Việt nam từ chế độ quân chủ cho đến thời nay ,làng nuôi dưỡng tâm hồn người dân , bảo tồn văn hoá như một thành luỷ chống ngoại xâm . Có thể thấy làng được hình thành từ các đơn vị nhỏ nhất là gia đình , nhiều gia đình kết hợp thành liên gia , tổ ,xóm...mỡ rộng ra thành làng ,xã .
Dân cùng làng chung sống như một gia đình lớn ,có chung bàn thờ trang trọng đặt trong các đình làng thờ chung vị thành hoàng , mỗi làng có những tài sản ,phong tục tập quán chung.Tôn ti trật tự được gìn giữ nghiêm nhặt , người cao tuổi đáng được gọi là ông bà ,bác, chú , cậu, cô,dì ...nếu chỉ lớn hơn mình chút ít thì gọi là anh chị lể phép .Ngược lại, bậc trưởng thượng phải coi ngưởi dưới như con, em của mình .Mọi người yêu thương ,đùm bọc giúp đở nhau khi có người và gia đình trong làng gặp hoạn nạn đó mới là tình làng, nghĩa xóm .
Nói đến làng quê VN là phải nhắc đến " tình làng ,nghĩa xóm" .Đây chính là nhắc đến sự gắn kết, sẻ chia đầy chân thành và yêu thương trong cuộc sống hằng ngày của người dân ở mỗi xóm, mỗi làng. Đặc biệt,trong khó khăn hoạn nạn, nghĩa xóm tình làng càng được phát huy, thể hiện rõ được tinh thần “tương thân tương ái”, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó vươn lên.
Chân thành và giản dị, tình làng nghĩa xóm đơn giản chỉ là những lời chào hỏi cởi mở hằng ngày, là chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, là thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, là giúp đỡ tận tình lúc nhà có công có việc.
Tình làng, nghĩa xóm là san sẻ với nhau từng mớ rau, con cá, quả trứng... gia đình làm ra; là san sẻ cùng nhau bát canh ngon, bát xôi trắng, chút dưa cà muối chua.
Tình làng nghĩa xóm là mỗi sớm mai í ới rủ nhau đi chợ, đi làm đồng.
Tình làng nghĩa xóm là sẵn sàng hỗ trợ nhau cây, con giống, vốn để phát triển sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là đoàn kết chung sức đồng lòng xây dựng và đổi mới quê hương...
Tình làng nghĩa xóm luôn là một thứ tình cảm rất thiêng liêng, láng giềng thì cũng chỉ là người dưng với nhau thôi, có máu mủ ruột thịt gì đâu mà ơn nghĩa hay nhờ vả nhau ? Trong khi anh chị em ruột thịt chúng ta ở xa thì họ là những người ở ngay cạnh chúng ta, dù có chuyện vui, buồn hay những lúc trắc trở thì họ cũng là người giúp đỡ chúng ta nhanh nhất.
Ông bà ta ngày xưa có câu: "bà con xa không bằng láng giềng gần" nhưng mấy khi những con người trong chúng ta được trải qua một cách thấm đẫm câu nói ấy.
Một số câu ca dao tục ngữ thể hiện sự liên đới,thân thương và gần gủi như :
- Bán anh em xa mua láng giềng gần.
- Nước xa thì không cứu được lửa gần.
- Cơm ăn chẳng hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng.
- Đôi bên là kẻ thuộc quen/ Trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau.
Hoặc có tính giáo dục và răn đe như :
- Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng.
- Trăng lên khỏi núi trăng nghiêng/ Ta muốn vui chung với bạn, sợ láng giềng mỉa mai.
- Miệng lằn, lưỡi mối nào yên/ Xa nhau cũng bởi láng giềng dèm pha.
Cuộc sống hiện nay đã phần nào làm mờ nhạt đi tình làng nghĩa xóm, hầu như mọi gia đình ở trong các khu đô thị bắt đầu ngày mới một cách hối hả với việc ăn, việc học, việc làm của mỗi thành viên trong gia đình và kết thúc một ngày khi đã mệt lử, về nhà, tắt đèn, đóng cửa. Các mối quan hệ hàng xóm hầu như không được nhắc tới, chỉ có những mối quan hệ với xã hội bên ngoài được ưu tiên hơn. Thậm chí, trong những khu chung cư, những nhà sống sát vách nhau có khi cũng không biết nhau là ai nữa.
Tình làng nghĩa xóm ngày nay chúng ta vẫn có thể tìm được nơi nông thôn. Trong cùng một làng, chuyện của nhà đôi khi trở thành chuyện của cả làng. Bất cứ gia đình nào khi có chuyện buồn như tang chế, bệnh hoạn ...cần giúp đỡ, không cần đánh tiếng mời gọi, dân làng hiểu biết sẽ tự giác đến giúp một tay đỡ đần cho gia chủ, tất cả đều giúp nhau không toan tính. Lúc có chuyện vui , mỡ tiệc ăn mừng, bà con còn thể hiện tình nghĩa láng giềng bằng những lời chúc tốt đẹp thông qua những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” tự biên tự diễn.v.v...
Tóm lại,dù ở đô thị hay nông thôn thì cái “tình” giữa người đối với người vẫn là điều quan trọng và cần được phát triển. Có lẽ những người sống tha phương sẽ là những người hiểu nhất. Khi ở xa, không có người thân bên cạnh, bạn sẽ hiểu tình nghĩa hàng xóm là vô cùng quan trọng .Vì vậy, những đồng hương chúng ta hãy thay đổi, cởi mở hơn với những người bạn hàng xóm lân cận của mình, yêu thương, san sẻ cùng nhau để có được những mối quan hệ tốt ở bất cứ nơi đâu .Hiểu được tâm nguyện cùng mục đích sâu xa của các trưởng tiền bối khi thành lập phong trào HĐTrưởng Niên .
Bùi Dzũng
Làng BH-RA
Lyon, 11/5/2023
Comments